Ngày 29.10, phát biểu tại Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam - ASOCIO 2014 tổ chức ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Việt Nam có lợi thế trong sản xuất nông nghiệp và CNTT đã đi vào từng ngõ ngách của nông nghiệp, nông thôn...
Sự quan trọng của hội nghị đã thu hút 700 đại biểu đến từ 20 nền kinh tế châu Á, châu Đại Dương để thảo luận xung quanh chủ đề: “Sử dụng CNTN tạo đột phá và tư duy tầm nhìn cho nông nghiệp”.
Năng lực dự báo nông sản còn kém
Tại diễn đàn, ông Bùi Quang Huy – Phó Giám đốc Trung tâm Giải pháp cộng đồng thuộc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cho rằng, hiện Việt Nam đã đạt được trình độ “đi cùng” thời đại về CNTT, nhưng thực tế lĩnh vực nông nghiệp và nông dân tiếp cận CNTT vẫn còn quá khiêm tốn.
“Hiện chúng ta có thể tiếp cận và đưa ra được dự báo về giá cả nông sản của thị trường thế giới nhưng tại sao nông dân vẫn phải rơi vào cảnh được mùa, mất giá và không có đủ thông tin nên vẫn đổ xô vào trồng một loại mặt hàng nông sản dẫn tới dư thừa? Tại sao chúng ta có thể dự báo được mực nước ở các con sông nhưng khi xả lũ người dân vẫn bị thiệt mạng; chúng ta dự báo được thiên tai nhưng vẫn bị cháy rừng?…”.
Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tại Lào.
Cùng chung quan điểm trên, ông Trần Văn Hà - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Ninh Bình cho biết, sản xuất nông nghiệp ví như một xí nghiệp ngoài trời, bản thân nó mang tính phức tạp, đối tượng là cơ thể sống (cây và con), nên phụ thuộc điều kiện tự nhiên, khí hậu thời tiết. Mặt khác trong cơ chế thị trường các thông tin về các tiến bộ khoa học kỹ thuật giá cả vật tư, hàng hoá, mua- bán không đầy đủ và kịp thời, thì sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều rủi ro, giá trị gia tăng thấp...
Do đó, theo ông Hà, trong điều kiện hiện nay cần sớm đưa Internet về nông thôn để gần bà con hơn, người dân có thể ra đó để tra cứu các thông tin, chẳng hạn như hôm nay thời tiết thế nào, từng mùa vụ nên gieo trồng giống gì, từng loại đất thích hợp trồng cây gì? Rồi các tư vấn về phân bón, thuốc trừ sâu, phòng trừ dịch bệnh… Các thông tin sẽ giúp ích cho người nông dân ứng dụng hiệu quả vào nông vụ của mình.
Đối với vấn đề này, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho biết, hiện phần lớn các doanh nghiệp CNTT vẫn chưa đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và tập trung vào các giải pháp cho sản xuất nông nghiệp cho nông dân. Bản thân những người nông dân cũng chưa có điều kiện để “đặt hàng” các doanh nghiệp CNTT phục vụ cho họ do họ thiếu kinh phí, thiếu thông tin và không thể biết bắt đầu từ đâu. “Để ứng dụng CNTT vào nông nghiệp là không hề đơn giản, nhưng dù khó cũng phải quyết tâm làm, bởi CNTT là động lực rất lớn nhất đưa Việt Nam trở thành cường quốc nông nghiệp” - ông Bình chia sẻ.
Tại diễn đàn, các chuyên gia CNTT nhận định, việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực nông nghiệp đã đến thời điểm chín muồi. Tuy nhiên, để có thể thành công cần phải hội đủ 5 yếu tố, đó là: Người dân được truy cập Internet; có hạ tầng cáp quang; có hệ thống thông tin cho nông nghiệp; và cần đào tạo cho người dân sử dụng các phần mềm ứng dụng cho nông nghiệp.
Tạo cơ hội cho nông dân tiếp cận Internet
GS - TS Nguyễn Tuấn Anh - Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới chia sẻ, hiện nay ở nước ta nhận thức về CNTT còn chưa đạt được sự nhất quán, việc ứng dụng CNTT trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế và manh mún, chỗ nào mạnh thì triển khai, chỗ nào yếu thì không áp dụng.
“Hiện tỷ trọng đầu tư cho CNTT trong nông nghiệp ở nước ta còn thấp hơn nhiều so với những công nghệ khác. Nếu áp dụng CNTT vào chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất, chế biến, bảo quản, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp một cách hệ thống, đúng hướng, thì những thành tựu thu được là rất lớn trên nhiều mặt chứ không chỉ là gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp hay tăng năng suất lao động” - ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Ông Yukio Hatoyama – cựu Thủ tướng Nhật Bản cho biết, hiện Nhật Bản là quốc gia đi đầu trong việc ứng dụng CNTT và truyền thông vào sản xuất nông nghiệp. Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản năm nay cũng đã triển khai sáng kiến “Chiến lược chuỗi giá trị nông sản toàn cầu”, đưa công nghệ Nhật Bản ra nước ngoài.
Ở Việt Nam, nếu sử dụng CNTT vào lĩnh vực này thì cả Chính phủ và nông dân sẽ rất thuận lợi. Nhờ công nghệ thông tin, ở Nhật đã có thể hiểu được và quản lý từng vùng phát triển tốt nhất cho mỗi loại cây trồng. Ví dụ, sử dụng hệ thống cảm ứng để đo nhiệt độ, ánh sáng, hệ thống thông gió… để duy trì C02 phù hợp nhất cho các cây trồng khác nhau. Bên cạnh đó, CNTT còn được sử dụng để điều khiển robot để hỗ trợ người nông dân làm nông nghiệp…” - ông Hotoyama cho biết.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: “Ở Việt Nam không còn khó khăn khi nhìn thấy trẻ con chăn trâu gọi nhau bằng điện thoại; mọi người có thể tìm thấy thông tin của tất cả các mặt hàng nông sản, cây trồng, vật nuôi trên mạng Internet… Tuy nhiên, xét một cách toàn diện thì nền nông nghiệp Việt Nam chưa gắn nhiều với công nghệ, trong đó có CNTT. Do đó, chúng ta phải xác định CNTT là yếu tố then chốt, tạo ra cơ hội cho những người chịu nhiều thiệt thòi như nông dân; là động lực quan trọng của sự phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hội nhập quốc tế”.