Liên kết phát triển cây ăn trái tại Thanh Hóa

BP CSKH 2/19/2014 1:54:58 PM

          Sáng 19/2/2014, Hội làm vườn và trang trại tỉnh Thanh Hóa phối hợp cùng Công ty Cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông tổ chức buổi tọa đàm “Liên kết phát triển cây ăn trái tại Thanh Hóa”

          Buổi tọa đàm có sự tham dự của đồng chí Mai Nhữ Thắng - Phó chánh văn phòng UBND tỉnh, đồng chí Mai Bá Luyến - Phó GĐ sở NN&PTNT tỉnh, lãnh đạo các huyện có tiềm năng phát triển cây ăn trái, các Hội viên hội làm vườn và trang trại tỉnh, đặc biệt là sự có mặt của các chuyên gia về cây ăn trái khu vực ĐB. Sông Cửu Long cùng hơn 100 chủ trang trại tại Thanh Hóa. Đồng chí Lôi Xuân Len - chủ tịch Hội làm vườn và trang trại tỉnh chủ trì buổi tọa đàm.

          Trong những năm gần đây, Cây ăn trái có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế Việt Nam. Sản phẩm cây ăn trái ngoài cung cấp cho thị trường trong nước, còn là nguồn xuất khẩu sang các nước trong khu vực cũng như một số thị trường lớn trên thế giới. Cùng với sự phát triển của các ngành công nghiệp, sản phẩm cây ăn trái ở Việt Nam ngoài việc sử dụng ăn tươi, còn là nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Theo Tổng cục thống kê, Việt Nam có khoảng 832,8 nghìn ha cây ăn trái, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2013 đạt trên 1 tỷ usd, chính thức trở thành 1 trong 6 nhóm hàng xuất khẩu trên 1 tỷ usd (riêng trái cây chiếm khoảng 1 nửa). Trong tương lai trái cây sẽ là bước đột phá, là mũi nhọn trong ngành trồng trọt.

          Toàn cảnh buổi tọa đàm

          Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tập trung phân tích giải pháp và hướng đi cho thị trường trái cây Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng trong tương lai gần. Khi mà hiện tại có 90% trái cây Việt Nam tiêu thụ nội địa, 10% xuất khẩu, với thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc. Trong khi đó, thị trường trong nước rất chuộng trái cây nhập ngoại như xoài Thái, táo và nho Mỹ; riêng cam, quýt Trung Quốc dù không chuộng nhưng vẫn tràn ngập thị trường. Một thực trạng khiến các đại biểu hết sức trăn trở là việc xây dựng thương hiệu cho trái cây Việt khi mà trái cây nội chưa được chú trọng về mẫu mã hình thức, chất lượng thấp, đặc biệt khâu chế biến thủ công, bảo quản sơ sài.

          Những năm gần đây, nhu cầu an toàn thực phẩm của người dân được nâng cao. Nhất là tại các thành phố lớn, nhu cầu sử dụng trái cây tươi chế biến sẵn được chú trọng. Theo thống kê, 62% người dân Hà Nội & TP. HCM mua trái cây tươi chế biến sẵn tại các chợ và vỉa hè, dung lượng thị trường trái cây tươi chế biến sẵn khoảng 100 triệu USD/năm. Trong đó, Bưởi là một trong những loại trái cây tươi chế biến sẵn được người dân ưa chuộng. Cây Bưởi tại Việt Nam có diện tích đất trồng khoảng 40 nghìn hecta, cùng rất nhiều ưu thế như có quanh năm, nhiều loại bưởi không hạt, bưởi ruột hồng, bưởi ngọt, ... là một trong những mặt hàng có giá trị nông sản cao.

             Ông Lê Văn Hoa - chuyên gia về cây Bưởi da xanh chia sẻ kỹ thuật trồng & chăm sóc Bưởi

          Dựa vào ưu thế tài nguyên đất màu mỡ, các chủ trang trại Thanh Hóa tự tin trong việc xây dựng cây Bưởi chất lượng cao. Để làm được điều đó, cần tạo được vùng sản xuất hàng hóa lớn, xây dựng mối liên kết nhà nước - doanh nghiệp - nông dân.

          Qua buổi tọa đàm, Hội làm vườn & trang trại đề xuất lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm và có chính sách hỗ trợ trong sản xuất và phát triển thị trường, xây dựng quy hoạch vùng cụ thể và hỗ trợ xây dựng quy trình cho từng cây ở từng vùng. Cùng với định hướng của Hội làm vườn & trang trại, Công ty Tiến Nông đề nghị lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại, dự án phát triển khâu chế biến sau thu hoạch, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu trái cây.

          

Ông Nguyễn Hồng Phong - TGĐ Công ty Tiến Nông phát biểu tại Tọa đàm

          Đánh giá cao về định hướng phát triển cho thương hiệu cây ăn trái tại Thanh Hóa, Ông Mai Bá Luyến - Phó GĐ sở NN&PTNT khuyến khích Hội làm vườn & trang trại tỉnh tiếp tục liên kết cùng Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông đưa các ứng dụng KHKT vào sản xuất cây ăn trái; đồng thời sẽ đề xuất lên lãnh đạo tỉnh các phương án hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu trái cây và các dự án phát triển khâu chế biến sau thu hoạch, đưa thương hiệu trái cây Việt lên một tầm cao mới.

Bình luận

Viết bình luận:

Cùng chuyên mục

Công ty cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông

GPKD số: 2800142141
Địa chỉ: 274B Bà Triệu, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa
Điện thoại: 02373.729.729
Email: info@tiennong.vn
Website: www.tiennong.vn
Nhận thông tin từ chúng tôi
TOP