Chúng ta đang tái cấu trúc nền kinh tế nên hơn ai hết DN phải là lực lượng đi đầu và đương nhiên là NH hết sức ủng hộ. NH không thiếu tiền, nhưng làm thế nào để NH tin tưởng cho vay mới là quan trọng - Thống đốc nhấn mạnh.
Tiếp tục cho vay thí điểm sản xuất nông nghiệp
Đó là khẳng định của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khi ông dẫn đầu đoàn công tác ngành Ngân hàng về thăm và làm việc với Tỉnh ủy, UBND, đoàn đại biểu Quốc hội và các DN lớn của tỉnh Thanh Hóa ngày 15/9. Sau chuyến đi Thái Bình vào đầu tuần trước, đây là chuyến đi thứ hai trong hơn một tuần qua của người đứng đầu ngành Ngân hàng về địa phương, nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân trong việc tiếp cận vốn ngân hàng.
Bên cạnh những tỉnh, thành phố - địa bàn có những DN lớn, những DN ở vùng vựa lúa như Thái Bình hay Thanh Hóa sẽ là “thị trường ngách” nhiều tiềm năng để đẩy mạnh tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và DNNVV.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa thăm Công ty Tiến Nông
Về Thanh Hoá lần này, một trong những điểm thị sát của Thống đốc là Công ty công nông nghiệp Tiến Nông. Đây là một DN tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh với mô hình đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.
Ông Nguyễn Hồng Phong – Tổng giám đốc Công ty Tiến Nông cho biết, Công ty đã thuê đất của 165 hộ dân ở xã Hoàng Anh (TP. Thanh Hóa) để xây dựng cánh đồng mẫu lớn sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Mô hình này cần vốn đầu tư khoảng 200 tỷ đồng, trong đó Tiến Nông sẽ cần vay ngân hàng khoảng 70% nhu cầu vốn trên. Hiện dự án đang chờ quyết định chính thức để ngân hàng cho vay thí điểm theo chuỗi giá trị.
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, những mô hình như của Công ty Tiến Nông là mô hình chuyển đổi từ sản xuất hộ gia đình sang mô hình liên kết hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã và mô hình DN để sản xuất hàng hóa. Hiện nay, trong chương trình cho vay thí điểm sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, NHNN dự kiến cho khoảng 20-25 dự án làm thí điểm và kết thúc vào cuối năm 2015 để tổng kết, bổ sung vào sửa đổi Nghị định 41/2010/NĐ-CP về cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn.
“Mục tiêu của chúng ta là phải đạt các tiêu chí về nông thôn mới, trong đó có tiêu chí về công nghiệp hóa nông thôn, có nghĩa là cơ giới hóa, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để mỗi người nông dân trở thành công dân. Với mô hình cho vay sản xuất theo chuỗi giá trị, tài sản thế chấp có được bao nhiêu cần được xác định rõ, phần còn lại ngân hàng sẽ cho vay tín chấp” – Thống đốc nhấn mạnh.
Kết nối NH – DN: Chìa khóa để tăng tín dụng
Thời gian qua, Thanh Hóa đã triển khai thực hiện Chương trình kết nối NH – DN và đã có 7 chi nhánh NHTM ký cam kết cho vay ưu đãi 13 dự án với tổng số vốn 768,8 tỷ đồng. Thống đốc chỉ đạo NHNN chi nhánh Thanh Hóa làm đầu mối phối hợp với Tỉnh ủy, chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ để chương trình được kết nối thường xuyên, liên tục nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN hơn nữa.
Giải đáp những kiến nghị của DN địa phương đề nghị ngành Ngân hàng đẩy mạnh cho vay tín chấp, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, nhiều DN khi đi vay vốn có đề án rất “hoành tráng”, nhưng khi triển khai thì không dễ thực hiện được. Thậm chí, không thiếu những DN vẽ ra dự án rất đẹp, thuê cả công ty thiết kế dự án, nhưng khi NH thẩm định lại, thì thấy dự án không khả thi và tất nhiên, với những trường hợp đó, NH không thể duyệt cho vay vốn.
“Như vậy, không có nghĩa là NH gây khó khăn cho DN mà do DN không đủ điều kiện vay” – Thống đốc trải lòng và đưa ra dẫn chứng: Tôi từng tiếp xúc với một gia đình, hai ông bà già cho con mượn sổ đỏ để làm tài sản thế chấp vay vốn, nhưng sau đó không trả được nợ, NH đành phải siết nhà. Hai ông bà già than thở là giờ không biết lấy nhà đâu để ở.
Tôi giải thích rằng, tiền của NH là tiền của những cụ nghỉ hưu như bác, tích cóp cả đời, gửi vào NH và NH lại lấy khoản tiền này cho con bác vay. Nhưng do con bác làm ăn không tốt nên NH đành phải siết nợ ngôi nhà đó để lấy tiền trả lại cho những người đã gửi tiền vào ngân hàng.
Từ câu chuyện trên cho thấy, nếu DN nào cũng hiểu được như thế thì sẽ đỡ bức xúc hơn. NH sẵn sàng chia sẻ với tinh thần tích cực nhất, nhưng phải trên cơ sở chấp nhận được chứ không thể cho vay dễ dãi quá.
Cũng với đề nghị NH mở hầu bao giúp DN trẻ mạnh dạn hơn trong việc thực hiện “ước mơ, hoài bão” và có thêm nguồn lực nuôi ý chí đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, nếu chỉ có ý chí không thì chưa đủ mà DN còn cần phải có trí tuệ, kinh doanh bài bản, phải cọ xát với thực tiễn. Bởi một khi DN có trí tuệ thì mới có đề án, có đổi mới, làm ăn bài bản hơn. Khi đó NH mới có thể đưa tiền ra để “chọn mặt gửi vàng”. Chúng ta đang tái cấu trúc nền kinh tế nên hơn ai hết DN phải là lực lượng đi đầu và đương nhiên là NH hết sức ủng hộ. NH không thiếu tiền, nhưng làm thế nào để NH tin tưởng cho vay mới là quan trọng - Thống đốc nhấn mạnh.