Thời gian tới, trên cơ sở tình hình thực tế của hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tiến hành đánh giá quá trình thực thi pháp luật về quản lý phân bón, làm căn cứ để điều chỉnh các quy định quản lý phân bón cho phù hợp hơn.
Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIII, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Đức, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp gửi nội dung chất vấn Bộ Công Thương như sau:
“Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT ngày 13/11/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Thông tư số 29/2014/TT-BCT ngày 30/9/2014 của Bộ Công Thương hướng dẫn Nghị định số202/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ về quản lý phân bón ban hành chậm và hướng dẫn chưa rõ ràng, chồng chéo giữa hai Bộ.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý phân bón hữu cơ, Bộ Công Thương quản lý phân bón vô cơ, nhưng trong thực tế, có loại phân bón vừa có hoạt chất hữu cơ, vừa có hoạt chất vô cơ thì không có hướng dẫn, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong vấn đề xin cấp phép.
Doanh nghiệp đã có văn bản đề nghị Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung danh mục nhưng vẫn chưa được chấp thuận. Với trách nhiệm người đứng đầu, đề nghị Bộ trưởng có giải pháp để khắc phục hạn chế này, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới”.
Về vấn đề này, Bộ Công Thương trả lời Đại biểu Nguyễn Hữu Đức như sau:
Ngày 30/9/2014, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 29/2014/TT-BCT quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện một số điều về phân bón vô cơ; hướng dẫn về cấp phép sản xuất phân bón vô cơ đồng thời sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác tại Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ về quản lý phân bón.
Ngày 13/11/2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT hướng dẫn một số điều của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ về quản lý phân bón thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Lĩnh vực quản lý phân bón luôn nhạy cảm và phức tạp với những diễn biến nhanh chóng, bên cạnh đó, việc lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý, cơ quan có thẩm quyền mất nhiều thời gian. Để bảo đảm tính khả thi của văn bản hướng dẫn, cơ quan ban hành đã phải cần rất nhiều thời gian, công sức cho quá trình soạn thảo.
Vì vậy, so với hiệu lực thi hành của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2014) thì thời hạn ban hành Thông tư số 29/2014/TT-BCT và Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT bị chậm.
Trách nhiệm quản lý phân bón hỗn hợp
Theo quy định tại khoản 4, Điều 3 Nghị định số 202/2013/NĐ-CP “Phân bón khác là hỗn hợp của phân hữu cơ và phân vô cơ hoặc các loại phân bón khác không thuộc loại phân bón quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này” thì các loại phân bón là hỗn hợp của phân hữu cơ và phân vô cơ được xếp vào nhóm phân bón khác.
Đồng thời, tại khoản 3, Điều 4 Nghị định số 202/2013/NĐ-CP quy định Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan có trách nhiệm thực hiện quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón hữu cơ và phân bón khác.
Như vậy, theo phân công trách nhiệm của Chính phủ, hoạt động sản xuất, kinh doanh và chất lượng của phân bón khác (các loại phân bón là hỗn hợp của phân hữu cơ và phân vô cơ) thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Việc quản lý phân bón khác phải thực hiện theo quy định của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP và các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bỏ thủ tục bổ sung phân bón vào danh mục
Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhanh chóng đưa phân bón mới vào sản xuất, loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, Nghị định số 202/2013/NĐ-CP đã bỏ quy định về danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam, bỏ thủ tục bổ sung phân bón vào danh mục.
Theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 202/2013/NĐ-CP; khoản 1 Điều 11 của Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT; khoản 1 Điều 21 của Thông tư số 29/2014/TT-BCT, phân bón thuộc danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2, được quản lý chất lượng theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do cơ quan có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng; trước khi đưa phân bón lưu thông trên thị trường, tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu phải thực hiện công bố hợp quy.
Riêng đối với các loại phân bón mới, chưa có tên trong Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam trước khi Nghị định số 202/2013/NĐ-CP được ban hành và có hiệu lực thì phải được khảo nghiệm trước khi công bố hợp quy theo quy định tại khoản 2, Điều 20 của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP.
Việc khảo nghiệm phân bón đã được quy định cụ thể tại Chương IV của Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT. Tổ chức, cá nhân có phân bón tự khảo nghiệm hoặc hợp đồng với đơn vị đủ điều kiện để khảo nghiệm theo quy định và tự chịu trách nhiệm về kết quả khảo nghiệm.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đang thực hiện quản lý phân bón theo quy định của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP, Thông tư số 29/2014/TT-BCT, Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT và các văn bản pháp luật có liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Tính theo thời điểm có hiệu lực thi hành của các văn bản này thì việc quản lý phân bón đã triển khai thực hiện được gần một năm. Khoảng thời gian này chưa đủ để đánh giá được hết tình hình thực tế về quản lý phân bón trên địa bàn cả nước.
Thời gian tới, trên cơ sở tình hình thực tế của hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tiến hành đánh giá quá trình thực thi pháp luật về quản lý phân bón, làm căn cứ để điều chỉnh các quy định quản lý phân bón cho phù hợp hơn.